11.07.2025 09:37

Tái cơ cấu để xây dựng Co-opBank phát triển bền vững

Trải qua gần 14 năm triển khai thực hiện Đề án tái cơ cấu theo Quyết định số 254/QĐ-TTg ngày 01/3/2012; Quyết định số 1058/QĐ-TTg ngày 19/7/2017; Quyết định số 689/QĐ-TTg ngày 08/6/2022 của Thủ tướng Chính phủ, Ngân hàng Hợp tác xã Việt Nam (Co-opBank) đã có bước chuyển mình rõ rệt, thực chất, không ngừng mở rộng quy mô, nâng cao chất lượng hoạt động, hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị được giao, đảm bảo hoạt động an toàn, ổn định của hệ thống Quỹ tín dụng nhân dân (QTDND), góp phần tích cực vào kết quả chung của Ngành thực hiện kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế xã hội của đất nước, đặc biệt là ở khu vực nông thôn, vùng sâu vùng xa.

Sau khi chuyển đổi QTDND Trung ương sang hoạt động theo mô hình Co-opBank năm 2013, bám sát định hướng, chính sách của Đảng, Nhà nước và chỉ đạo hướng dẫn của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) trong hoạt động, Co-opBank đã nghiêm túc triển khai thực hiện các mục tiêu, giải pháp tái cơ cấu gắn với xử lý nợ xấu theo đúng lộ trình đề ra đã được phê duyệt từng giai đoạn nhằm xây dựng Co-opBank phát triển bền vững, đáp ứng chuẩn mực về an toàn hoạt động ngân hàng theo quy định của pháp luật, đảm bảo hiệu quả và an toàn hoạt động trong tương lai. Nhìn lại chặng đường sau gần 14 năm thực hiện tái cơ cấu gắn với xử lý nợ xấu của Co-opBank, có thể khẳng định những kết quả thành tựu của Co-opBank ngày hôm nay là minh chứng rõ ràng nhất về quyết tâm, nỗ lực của Ban lãnh đạo, cán bộ nhân viên Co-opBank trong việc triển khai hiệu quả và thành công các giải pháp được đề ra. Có thể khái quát kết quả tái cơ cấu trên một số nội dung sau:

Về quy mô vốn và tài sản: Co-opBank luôn bám sát diễn biến thị trường, chỉ đạo của NHNN để thực hiện hiệu quả vai trò điều hòa vốn đối với các QTDND, đảm bảo thanh khoản cho Co-opBank và các QTDND, triển khai cơ chế chính sách thuận lợi, phát triển đa dạng hóa các sản phẩm huy động vốn theo các kỳ hạn, hình thức linh hoạt, nâng cao chất lượng dịch vụ, mạng lưới giao dịch được mở rộng nhằm thu hút, khai thác tối đa nguồn vốn của hệ thống QTDND và nguồn vốn tiết kiệm từ dân cư và tiền gửi của các tổ chức kinh tế, qua đó tạo được nguồn vốn bổ sung để hỗ trợ cho vay QTDND thành viên phát triển mở rộng tín dụng, hướng đến phục vụ khách hàng là người dân, hộ gia đình, Hợp tác xã ở khu vực nông nghiệp nông thôn theo đúng định hướng của Chính phủ. Quy mô vốn và tài sản của Co-opBank ngày càng được mở rộng theo hướng an toàn, hiệu quả và phát triển bền vững. Tính đến 31/12/2024, tổng tài sản của Co-opBank đạt gần 62 nghìn tỷ đồng tăng 3,5 lần so với năm 2013; Dư nợ cho vay đạt gần 37 nghìn tỷ đồng tăng, tăng 2,7 lần so với năm 2013;

Về năng lực quản trị, điều hành, hoàn thiện cơ cấu tổ chức, Co-opBank nhận thức được ý nghĩa và tầm quan trọng trong công tác quản trị điều hành đảm bảo cho Co-opBank hoạt động ổn định, an toàn và hiệu quả. Co-opBank đã thực hiện các giải pháp nhằm năng cao năng lực quản trị điều hành các mặt hoạt động theo hướng tăng cường vai trò quản lý của người đại diện vốn Nhà nước tại Co-opBank. Tích cực triển khai ứng dụng CNTT và áp dụng các phương thức quản trị điều hành tiên tiến phù hợp với thông lệ, chuẩn mực quốc tế. Đặc biệt trong giai đoạn tái cơ cấu 2021-2025, Co-opBank đã trình NHNN để báo cáo Đại hội thành viên thông qua các nội dung kiện toàn nhân sự trong Hội đồng quản trị, Ban Tổng giám đốc đáp ứng đầy đủ số lượng, điều kiện tiêu chuẩn theo quy định của pháp luật và Điều lệ. Bên cạnh đó, Co-opBank đã thực hiện tái cấu trúc mô hình hoạt động các đơn vị tại Trụ sở chính và các Chi nhánh theo hướng tinh gọn, chuyên môn hóa nghiệp vụ lấy QTDND thành viên và khách hàng làm trung tâm, áp dụng các tiêu chuẩn Basel II của ngân hàng hiện đại; chú trọng công tác đào tạo bồi dưỡng phát triển đối với các chức danh lãnh đạo, quản lý chủ chốt để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; thường xuyên rà soát, hoàn thiện, chuẩn hóa các quy trình, chính sách nội bộ tạo hành lang pháp lý cho mọi hoạt động của Co-opBank;

Đối với công tác xử lý nợ xấu, nâng cao chất lượng tài sản, hiệu quả kinh doanh, Co-opBank đã tăng cường việc giám sát tuân thủ các quy định, quy trình trong hoạt động cấp tín dụng, chủ động rà soát và áp dụng hệ thống phần mềm trong theo dõi, phân loại, chuyển nợ tự động, đây là một bước chuyển lớn trong quản trị, góp phần nâng cao công tác đo lường rủi ro, đáp ứng yêu cầu của NHNN, giúp Co-opBank chủ động nhận diện sớm các khoản nợ tiềm ẩn rủi ro để có biện pháp xử lý, thu hồi các khoản nợ xấu từ đó đẩy nhanh tốc độ tái tạo vốn. Ngoài ra, Co-opBank luôn theo dõi chặt chẽ hoạt động của các Chi nhánh để chỉ đạo và chấn chỉnh kịp thời, kiểm soát chất lượng tín dụng để nâng cao hiệu quả kinh doanh, phòng ngừa, hạn chế nợ xấu có thể phát sinh trong tương lai.

Thực hiện tốt vai trò là ngân hàng của các QTDND, hỗ trợ người dân, hợp tác xã phát triển sản xuất, kinh doanh đời sống

Co-opBank luôn nỗ lực triển khai và thực hiện tốt chức trách, nhiệm vụ đối với các QTDND, tăng cường mối liên kết với hệ thống QTDND ngày càng chặt chẽ, thông qua hoạt động đầu mối điều hòa, cân đối vốn trong hệ thống QTDND, nghiên cứu phát triển nhiều sản phẩm dịch vụ ngân hàng hiện đại cung cấp cho các QTDND, hỗ trợ hiệu quả cho các QTDND về chuyên môn nghiệp vụ, vốn, tài chính, trở thành công cụ hiệu quả của NHNN trong giám sát, hỗ trợ hoạt động của QTDND bảo đảm an toàn và phát triển bền vững theo đúng quy định của pháp luật. Đồng thời, chủ động cân đối nguồn vốn thực hiện cho vay đối với khách hàng là doanh nghiệp vừa và nhỏ, doanh nghiệp siêu nhỏ, các hộ gia đình cá nhân ở khu vực nông nghiệp nông thôn, các lĩnh vực ưu tiên phát triển theo chủ trương của Chính phủ nhằm hỗ trợ nguồn vốn phát triển sản xuất kinh doanh, phát triển kinh tế địa phương;

Co-opBank nghiên cứu phát triển nhiều sản phẩm dịch vụ ngân hàng hiện đại cung cấp cho các QTDND

Đầu tư công nghệ thông tin hiện đại, phát triển mở rộng mạng lưới

Co-opBank đã đầu tư hiện đại hóa công nghệ có trọng tâm, trọng điểm bao gồm cả hệ thống ngân hàng lõi (core banking) cũng như cơ sở hạ tầng công nghệ, trong đó tập trung nguồn lực nghiên cứu và phát triển sản phẩm dịch vụ ngân hàng hiện đại cung cấp cho QTDND và khách hàng nâng cao năng lực đáp ứng nhu cầu của QTDND và khách hàng, đảm bảo quản trị, kiểm soát rủi ro trong mọi lĩnh vực hoạt động.

Để thực hiện tốt vai trò đầu mối liên kết với các QTDND thành viên trên địa bàn, trong thời gian qua, Co-opBank tích cực phát triển và mở rộng mạng lưới Chi nhánh, phòng giao dịch một cách phù hợp nhằm tăng cường khả năng tiếp cận vốn, hỗ trợ, chăm sóc, giúp hệ thống QTDND hoạt động ổn định, phát triển an toàn, bền vững. Đến nay, mạng lưới hoạt động của Co-opBank gồm 32 chi nhánh và 66 phòng giao dịch hoạt động trên địa bàn 57/63 tỉnh, thành phố thực hiện nhiệm vụ hỗ trợ, chăm sóc cho gần 1.200 QTDND trên cả nước.

Năm 2025 là năm có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, là năm cuối cùng thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021-2025 tiến tới Đại hội Đảng các cấp và cũng là năm cuối cùng thực hiện Phương án cơ cấu lại gắn với xử lý nợ xấu của Co-opBank giai đoạn 2021-2025. Co-opBank sẽ tiếp tục phát huy những kết quả, thành tựu đã đạt được, bám sát chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước và chỉ đạo của NHNN trong hoạt động, nghiêm túc triển khai thực hiện Chỉ thị 01/CT-NHNN “Về tổ chức thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm của ngành Ngân hàng trong năm 2025” nhằm thực hiện thành công các mục tiêu tại phương án cơ cấu lại gắn với xử lý nợ xấu của Co-opBank giai đoạn 2021-2025, tạo nền tảng hướng tới mục tiêu dài hạn đến năm 2030 phát triển Co-opBank trở thành ngân hàng hiện đại, hoạt động an toàn, hiệu quả vững chắc dựa trên nền tảng công nghệ, quản trị ngân hàng tiên tiến, thực hiện hiệu quả quả vai trò là Ngân hàng của các QTDND, là công cụ hiệu quả của NHNN trong việc kiểm tra, giám sát hoạt động của QTDND đảm bảo an toàn, phát triển ổn định góp phần phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, hạn chế nạn tín dụng đen ở khu vực nông nghiệp nông thôn theo đúng chủ trương của Đảng và Nhà nước.

Co-opBank tích cực phát triển và mở rộng mạng lưới Chi nhánh, phòng giao dịch một cách phù hợp tăng cường khả năng tiếp cận vốn, hỗ trợ, chăm sóc, giúp hệ thống QTDND hoạt động ổn định, phát triển an toàn, bền vững

Theo co-opbank.vn

Các tin liên quan