Thành lập từ tháng 8- 1995, ban đầu QTDND xã Ấm Hạ chỉ có 32 thành viên, vốn điều lệ 28 triệu đồng. Sau 16 năm hoạt động, đến nay tổng nguồn vốn của quỹ đạt 22,7 tỷ đồng với 832 thành viên, trong đó vốn điều lệ đạt 535 triệu đồng, vốn huy động tại chỗ đạt 7,7 tỷ đồng, còn lại là vốn vay QTDND Trung ương. Tổng dư nợ cho vay đạt 19,3 tỷ đồng. Phát huy ưu thế gần dân, sát dân, với việc nỗ lực khắc phục khó khăn, mở rộng đa dạng đối tượng tập trung nguồn vốn cho vay phục vụ có hiệu quả vào công cuộc xóa đói giảm nghèo và phát triển kinh tế - xã hội địa phương, quỹ đã được chính quyền các cấp và người dân trên địa bàn xã đánh giá cao. Ông Vũ Quốc Phi - Chủ tịch UBND xã cho biết: “Từ khi thành lập đến nay, trong nhiều năm qua nguồn vốn của quỹ đã đóng góp tích cực vào quá trình phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, đặc biệt là tập trung cho vay vốn để phát triển ngành nghề đặc thù của xã. Đã có hàng nghìn lượt người dân trong xã vay vốn phục vụ sản xuất kinh doanh. Từ đó, góp phần tích cực trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế của xã như hiện nay: Công nghiệp - Tiểu thủ công nghiệp 40%, nông nghiệp 40%, dịch vụ thương mại 20%. Thu nhập bình quân đầu người/năm tăng từ 6,5 triệu đồng (năm 2005) lên 11,6 triệu đồng (năm 2010). Bản thân tôi thấy, có nhiều gia đình đã thoát được nghèo, ổn định đời sống, có người đã làm giàu trên chính quê hương, hiện tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 12,57%, cận nghèo 6%... Hiện toàn xã có 28 xưởng chế biến gỗ, 2 xưởng chế biến chè và 52 xe vận tải các loại, trong đó đa số hộ vay vốn của QTDND xã, ngoài ra số hộ vay vốn làm nông nghiệp và dịch vụ thương mại khác cũng rất nhiều. Theo tôi, từ hiệu quả thực tiễn, cần tiếp tục nâng cao vai trò của QTDND cơ sở để góp phần đẩy mạnh phát triển kinh tế- xã hội địa phương hơn nữa. Hiện nay, nguồn vốn của quỹ đã đầu tư ở 9/9 khu dân cư, tuy nhiên cần chú trọng hơn nữa đối với các khu khó khăn như khu 2, 4…”. Anh Đoàn Trọng Khuyết, ở khu 5 tâm sự: "Tôi vay vốn của QTDND xã từ năm 2007, ban đầu vài chục triệu đồng để đầu tư làm xưởng chế biến gỗ, trả hết lại vay rất nhiều lần. Nhờ vốn của quỹ, kinh tế gia đình dần đi lên, hiện nay với diện tích hơn 1.000m2 tôi đã đầu tư xây dựng nhà xưởng, mua máy móc với tổng giá trị đạt 600 triệu đồng. Xưởng cho thu nhập khoảng 250 triệu đồng/năm, tạo việc làm thường xuyên cho 20 lao động địa phương với thu nhập hơn 2 triệu đồng/người/tháng. Hiện tôi còn dư nợ của quỹ là 100 triệu đồng"… Nhờ nguồn vốn vay của quỹ, ở Ấm Hạ đã xuất hiện nhiều hộ làm kinh tế giỏi, điển hình như: Ông Nguyễn Văn Dũng, ở khu 5, kinh doanh ô tô, chế biến gỗ và bán hàng, thu nhập gần 300 triệu đồng/năm, tạo việc làm cho 25 lao động địa phương; chị Nguyễn Thị Loan, ở khu 5, chế biến gỗ, thu nhập hơn 200 triệu đồng/năm, giải quyết việc làm cho 20 lao động địa phương; bà Đỗ Thị Hồng, kinh doanh hàng tạp hóa, thu nhập 60 - 70 triệu đồng/năm… Ông Lê Chí Cường - Giám đốc QTDND xã cho biết: "Trong tổng dư nợ, cho vay nông nghiệp nông thôn chiếm tỷ trọng 35%, tiểu thủ công nghiệp 45%, tiêu dùng 15%, còn lại là các ngành nghề khác… Qua kết quả 7 tháng đầu năm, hoạt động của quỹ có nhiều khởi sắc, tổng chênh lệch thu chi đạt 350 triệu đồng. Từ nay đến cuối năm, quỹ tiếp tục hoàn trả vốn vay QTDND Trung ương và tăng nguồn vốn huy động tại chỗ...". Từ nhiều năm nay, QTDND xã đã tham gia Quỹ bảo hiểm tiền gửi Việt Nam nhằm đạt mục tiêu phát triển ổn định và bền vững, qua đó đã hạn chế thấp nhất rủi ro, đem lại sự an toàn cho quỹ cũng như những cổ đông góp vốn và các thành viên của quỹ. Hàng năm quỹ đều trích lập quỹ và thực hiện trích theo quý. Nhiều năm liền, được nhận Bằng khen, giấy khen của UBND huyện, Chi nhánh Ngân hàng nhà nước tỉnh, QTDND Trung ương Chi nhánh tỉnh cho tập thể, công đoàn, cá nhân… Trong thời gian tới, để phát triển nhanh mạnh và bền vững hơn, QTDND xã thực hiện nghiêm túc các quy định về hoạt động tín dụng, đảm bảo an toàn cho nguồn vốn hoạt động, có biện pháp tuyên truyền vận động nguồn tiền gửi để chủ động nguồn vốn, thường xuyên duy trì kiểm tra giám sát mục đích sử dụng vốn vay của thành viên, hoạt động đảm bảo có lãi để tích lũy các quỹ, không để nợ quá hạn. Tiếp tục, góp phần tích cực vào sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, nâng cao đời sống của người dân trên địa bàn.